Năm tháng trôi qua, nhưng các dấu ấn của từng bước tiến trên cuộc hành trình lịch sử 31 năm vẫn còn mãi; ghi dấu những nỗ lực bền bỉ, bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết một lòng của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công nhân viên TBS.
1989 đến 1993: Giai đoạn khởi nghiệp, thử sức với nhiều ngành nghề
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, những người đứng đầu TBS khi ấy vừa mới trở về sau cuộc chiến tranh Tây Nam đầy khốc liệt. Bấy giờ, trong tay họ không có gì – Không tiền – Không nhà – Không nghề nghiệp. Tất cả những gì họ có chỉ là nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao cống hiến cho đất nước cùng nỗi trăn trở làm sao để giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các anh em đồng đội và con cháu của họ, giúp họ có cái nhà cái cửa, tạo ra công việc làm cho đồng đội mình và con cháu họ.
Có lẽ những trăn trở và khao khát ấy là nguồn cơn của cuộc gặp gỡ định mệnh của Nguyễn Đức Thuấn – Cao Thanh Bích và Nguyễn Thanh Sơn. Đến với thương trường kinh doanh nhiều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm, chưa có định hướng rõ ràng, bộ ba phải thử sức qua rất nhiều lĩnh vực, từ trồng bạch đàn, khai thác đá, bán xăng dầu, v.v…
Năm 1992, nhận thấy việc gia công may mặc đang nở rộ tại TP.HCM, các nhà sáng lập đã quyết định xây dựng phân xưởng với mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Dù dự tính sản xuất hàng may mặc nhưng TBS lại bén duyên với ngành sản xuất giày khi được công ty Giày Hiệp Hưng giới thiệu hợp tác cùng khách hàng Orion đến từ Đài Loan.
Cũng từ đây, “Công ty TNHH Giày Thái Bình” chính thức ra đời, tên đối ngoại là “Thai Binh Shoes”. Đây cũng chính là cái tên được ghi nhận trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng cho đến tận ngày nay.
Đến năm 1993, TBS Group hoàn thành hợp đồng sản xuất 6 triệu đôi giày đầu tiên cho thương hiệu Orion, đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong lịch sử doanh nghiệp. Vậy là sau những năm tháng vất vả, TBS Group cũng đã có những khởi sắc đáng kỳ vọng.
Cột mốc tiêu biểu:
- 1988 – 1989: Lập trại vườn ươm giống Bạch Đàn tại Sóng Thần, cung cấp nguồn cây giống cho 6 tỉnh miền Trung và xuất khẩu gỗ ra nước ngoài.
- 1992: Xây dựng nhà máy đầu tiên mang tên THAI BINH SHOES – Bước chân đầu tiên của ngành Da giày TBS.
- 1993: Ký hợp đồng đầu tiên – Gia công giày nữ cho Orion Đài Loan, cùng giai đoạn buôn bán sỉ lẻ xăng dầu và khai thác đá.
1994 đến 1998: Định vị tham gia Ngành sản xuất công nghiệp, chuyển từ gia công giày nữ sang giày thể thao
Năm 1994, nhãn hiệu nổi tiếng nhất nhì thế giới là Reebok đến Việt Nam để tìm kiểm đối tác gia công sản phẩm. TBS Group may mắn được công ty giày Hiệp Hưng làm cầu nối hợp tác cùng Reebok. Chính nhờ cơ hội này, mà TBS đã có những bước ngoặt lịch sử, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất cũng kỹ thuật, dây chuyền để nhận được đơn hàng giày thể thao đầu tiên.
Thời gian này, đơn hàng Reebok đã đem lại luồng sinh khí mới, nhưng cũng là thử thách kỹ thuật đầu tiên khi TBS chuyển sang làm giày thể thao. Từ con số không thuở ban đầu cả về kỹ thuật công nghệ và quy trình quản lý, TBS dần tiếp cận được công nghệ của tập đoàn lớn và có thêm vốn liếng cho riêng mình.
Thế nhưng, câu chuyện thành công đâu dễ dàng đến thế. Năm 1996, TBS và Orion ngừng hợp tác, đến năm 1998, Reebok tuyên bố rút khỏi Việt Nam để tập trung sản xuất tại Trung Quốc do nhận định của Reebok về những lợi thế mà quốc gia này mang lại. Mất đi 2 khách hàng liên tiếp đẩy TBS vào tình thế “Cháy nhà 2 đầu” vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, 3 năm hợp tác với Rebook đã giúp TBS tích lũy được kinh nghiệm quản lý sản xuất, khả năng R&D, công nghệ – thiết bị và quan trọng nhất là nguồn tài chính được cải thiện đáng kể, giúp gầy dựng được vị thế, uy tín về chất lượng sản phẩm nhất định trong ngành. Đây là yếu tố quan trọng giúp TBS nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác với nhãn hàng Decathlon – một nhãn hiệu lớn chuyên sản xuất các mặt hàng thể thao tại Pháp và EU. Nhờ đó, TBS xuất sắc hoàn thành những đơn hàng đầu tiên của Decathlon bắt đầu chuyển đổi từ gia công CMT (*) sang sản xuất OEM (**) hiện đại, dần định vị hướng đi đúng đắn cho mình là tham gia sâu vào ngành sản xuất công nghiệp thời trang.
Cột mốc tiêu biểu:
- 1994 – 1995: Xây dựng nhà máy thứ 2. Bắt đầu hợp tác với Rebook.
- 1996 – 1997: Thiết lâp quan hệ kinh doanh với Decathlon bằng đơn hàng đầu tiên 5,000 đôi giày. Cùng thời điểm Orion và Rebook rút khỏi thị truờng Việt Nam.
1999 đến 2003: Làm chủ công nghệ sản xuất và phát triển công nghiệp đế
Năm 1999 TBS vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây được xem là một sự đánh giá cao của Nhà nước về những nỗ lực mà TBS đã đạt được sau 5 năm định vị ngành sản xuất công nghiệp Giày.
Trong giai đoạn này, mối lương duyên Decathlon – TBS nảy nở và phát triển nhanh chóng. Mối lương duyên ấy chính là động lực to lớn để TBS mở rộng sang sản xuất đế giày. Thời điểm này ban lãnh đạo đã sớm nhận định muốn phát triển cần phải đầu tư chiều sâu, phát triển công nghiệp phụ trợ,. Trung tâm R&D đầu tiên của TBS đã ra đời trong bối cảnh đó, kế cận là các nhà máy sản xuất đế… Công ty bắt đầu chủ động trong công nghệ sản xuất, dần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút thêm khách hàng mới, và đặc biệt là giúp khắc phục được các sự cố phát sinh do phải lệ thuộc vào nguồn cung ứng bên ngoài.
Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên TBS bước vào lĩnh vực Bất động sản với dự án “Khu dân cư An Bình”, trước mắt là phục vụ cho nhu cầu nhà ở của CB – CNV công ty. Năm 2000, công ty Areco được thành lập để vận hành các dự án bất động sản cho TBS.
Cột mốc tiêu biểu:
- 1999 – 2000: Bắt đầu nghiên cứu khoa học công nghệ: xây dựng nhà máy sản xuất đế, trung tâm nghiên cứu và máy móc phụ trợ để chủ động sản xuất từ A đến Z.
2004 đến 2008: Làm chủ chuỗi cung ứng
Sau khi làm chủ được công nghệ, TBS tiến lên một bước làm chủ chuỗi cung ứng với hai ngành Thương mại dịch vụ và Logistics. Đây là giai đoạn mà Ban lãnh đạo TBS đưa ra nhiều quyết sách lớn, giúp khép kín chuỗi cung ứng nhằm phục vụ tối đa lợi ích cho khách hàng.
Năm 2004, lần đầu tiên hoạt động sản xuất giày vươn ra khỏi Bình Dương và phát triển đến tỉnh Bình Phước với Nhà máy giày Đồng Xoài. Năm 2005, do nhận thấy các hoạt động kinh doanh của công ty đã vượt khỏi ngành Giày và khá đa dạng, HĐQT công ty quyết định đổi tên thành “Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình”. Cùng giai đoạn này với việc hình thành các trung tâm R&D, TBS đón nhận thêm khách hàng mới là Skechers, giúp củng cố thêm lượng đơn hàng, giảm thiếu tính mùa vụ và chủ động được kế hoạch tăng trưởng.
Năm 2006, công ty con Cổ phần Đầu tư Thương mại Hiệp Bình được hình thành, với tên giao dịch “TBS Sport” chuyên về phân phối và thương mại. TBS Sport nhanh chóng trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm giày ECCO, một thương hiệu thành lập tại Đan Mạch.
Năm 2007, Khu Công nghiệp Sông Trà tại tỉnh Thái Bình được khởi công. Đây là dự án nhằm giúp cho sự phát triển quê hương của Chủ tịch TBS, vừa mở ra một lĩnh vực kinh doanh mới là bất động sản công nghiệp. Hai năm sau, dự án này chính thức đưa vào hoạt động với tổng diện tích lên đến 120 héc ta.
Năm 2008, Trung tâm TBS Logistics được ra đời tại vùng đất Tân Vạn, đây là một địa điểm được xem là tam giác vàng kết nối Đồng Nai, Bình Dương với thành phố Hồ Chí Minh. Dự án logistics được triển khai giúp khép kín gần như toàn bộ Chuỗi cung ứng
TBS tiếp tục đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp phụ trợ như thêu, in ép, dao khuôn và hoàn toàn chủ động nguồn cung ứng trong các lĩnh vực này, mỗi nhà máy sản xuất đều tự in ép sản phẩm tại chỗ.
Cột mốc tiêu biểu:
- 2004: Mở rộng qui mô sản xuất với việc xây dựng nhà máy giày Đồng Xoài.
- 2005: bắt đầu hợp tác vỡi nhãn hàng giày thể thao Skechers.
- 2006: TBS Sport được thành lập
- 2008: TBS Logistics chính thức ra đời.
2009 đến 2013: Mở rộng đa dạng sản xuất kinh doanh
Vậy là sau 20 năm đầy thăng trầm, TBS Group cũng đã có nguồn lực riêng và tích lũy nhiều kinh nghiệm. TBS quyết định mở rộng địa bàn sản xuất, cũng như di chuyển một phần nguồn lực sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác và định hướng trở thành tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực.
Cũng trong giai đoạn này, sự “tình cờ” lại mang đến một bước ngoặt lớn cho TBS Group. Tháng 5 năm 2010 NĐT tình cờ gặp lại bạn cũ từ thời Reebok là ông R. Cuộc nói chuyện chỉ có 15 phút với ông R. là cơ hội hiếm hoi đã được TBS khai thác triệt để và chỉ 6 tháng sau đó công ty bắt đầu bước vào một ngành nghề mới là sản xuất kinh doanh túi xách thời trang với một thương hiệu lớn của thế giới là Coach Inc. USA. Ông R. lúc đó chuyển sang làm giám đốc trung tâm R&D của Coach ở Châu Á, đang đúng dịp đi sang Việt Nam để tìm hiểu khả năng sản xuất túi xách Coach tại Việt Nam.
Khi Coach đồng ý sản xuất thí điểm, TBS nổi lên như là một hiện tượng vì là công ty VN duy nhất bấy giờ hợp tác sản xuất túi thời trang và chỉ mất 1 năm để xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như hình thành đội ngũ kỹ thuật, dạy nghề cho công nhân. TBS đã chấp nhận rủi ro nắm bắt cơ hội hiếm có khi bỏ ra một số vốn rất lớn để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất túi xách theo tiêu chuẩn của Coach cùng với việc vận động tiếp cận khách hàng, nghiên cứu, tìm hiểu, tuyển dụng và đào tạo cấp tốc một số lượng lớn CBCNV cho ngành nghề mới.
Giữa năm 2013, sau thời gian dài cân nhắc và chuẩn bị, HĐQT công ty chính thức đổi tên thành “TBS Group” và thay đổi logo cùng slogan mới: “Chung sức Kiến tạo Tương lai” – một thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy TBS tiến xa hơn nữa.
Cột mốc tiêu biểu:
- 2011: Bắt đầu gia công túi xách cho Coach.
- 2013: Đổi hệ thống nhân diện thương hiệu và sử dụng tên mới “TBS Group”, chính thức xác định TBS là tập đoàn kinh doanh đa ngành & đầu tư tài chính.
2014 đến 2021: Củng cố nội lực sẵn sàng tiến xa
Thời điểm này, TBS hiểu rằng để tiến ra thế giới, cần có một sự chuẩn bị nội lực thật tốt cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Quá trình tái cấu trúc của công ty đã và đang diễn ra trên diện rộng và sâu. Các khu vực sản xuất và chiến lược sản xuất được định vị vững chắc. Quyết định đầu tư sản xuất công nghiệp ở nước ngoài là một bước chuyển lớn giúp TBS trở thành một công ty mang tầm quốc tế.
Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng sản xuất, TBS Group cũng phát triển toàn diện ở nhiều lĩnh vực khác như Bất động sản dân dụng, Thương mại dịch vụ, Nghỉ dưỡng, khách sạn…. Với quan điểm “Thế giới làm được, ắt ta làm được”, chủ tịch Nguyễn Đức Thuấn vẫn luôn giữ vững khát khao làm mọi thứ vì quê hương đất nước và cho chính người Việt. Việc xây Xây dựng khách sạn Mai House Sài Gòn – Bước chân đầu tiên chinh phục ngọn núi mới – Ngành Du lịch khách sạn.
Năm 2020, ngành Bất động sản TBS Group đánh dấu một bước ngoặt lớn trên thị trường với diện mạo mới mang tên TBS Land. Với hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển bất động sản cho chính mình, TBS Land biết đã đến lúc cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Với diện mạo mới, TBS Land tự hào mang đến cho cộng đồng những dự án chất lượng, quy mô và giá trị sống tốt đẹp cho cộng đồng – từng bước xây dựng một thương hiệu uy tín và chuyên nghiệp.
Cột mốc tiêu biểu:
- 2014: Bước ngoặt quản trị trên nền tảng số bằng việc ứng dụng phần mềm SAP.
- 2019: Khách sạn 5 sao Mai House Saigon chính thức đi vào hoạt động.
Mang theo lý tưởng của một doanh nghiệp yêu nước xuất phát từ tinh thần kiên cường bất khuất của những người lính bảo vệ và kiến thiết đất nước, TBS Group không chỉ mang tới hình ảnh cùng sức sống mãnh liệt của những rặng tre làng quê Việt Nam mà còn hàm chứa truyền thống con nhà lính: sự tân tâm, đoàn kết quên mình vì chí hướng chung đưa nước nhà sánh vai với các cường quốc thế giới.
Chủ tịch Nguyễn Đức Thuấn từng nói: “Có người đã hỏi tôi nhờ đâu mà TBS có được ngày hôm nay, tôi đã không ngần ngại trả lời rằng chúng tôi chỉ có ba thứ: đó là sự đoàn kết lòng tri ân cùng tinh thần bền bỉ suốt 31 năm để những hạt cát xây nên thành lũy”. Cùng nhìn lại 31 năm trưởng thành và phát triển của TBS Group qua những cột mốc đáng nhớ để tự hào rằng – “Thế giới làm được, ắt ta làm được”. – Chủ Tịch Nguyễn Đức Thuấn.