Menu
Tầm nhìn TBS Group trong việc phát triển R&D – Yếu tố thành công của mọi doanh nghiệp
08-12-2020

Tầm nhìn TBS Group trong việc phát triển R&D – Yếu tố thành công của mọi doanh nghiệp

R&D là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. Tuy đã phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tại Việt Nam khái niệm này còn khá mới hoặc chưa được hiểu trọn vẹn cũng như chưa thực sự được chú trọng đầu tư phát triển. Là một doanh nghiệp tiên phong trong ngành nghề sản xuất công nghiệp thời trang có tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu của nước nhà, TBS Group luôn thấu hiểu được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm với sự đầu tư nguồn lực đáng kể vào 5 trung tâm R&D cho cả ngành Giày và Túi xách.

Bạn không thể sử dụng phương cách cũ cho những vấn đề của hiện tại mà vẫn tin rằng mình giữ được vị thế trong tương lai

R&D là gì và vai trò trong sự phát triển của doanh nghiệp?

R&D là từ viết tắt của Research and Development – Nghiên cứu và phát triển. Đây là khái niệm bao gồm các hoạt động liên quan đến việc nghiên cứu, tạo ra sự đổi mới hoặc cải tiến dịch vụ, sản phẩm, dịch vụ và quy trình của doanh nghiệp.

Mục tiêu cuối cùng của R&D là tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới hoặc nâng cao, cải tiến các sản phẩm dịch vụ hiện tại bằng cách nghiên cứu, thử nghiệm liên tục với số lượng lớn các phương pháp mới, áp dụng các công nghệ mới. Việc làm này tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực, trong khi đó kết quả của mỗi lần thử nghiệm có thể cho ra các sai lệch khác nhau trước khi tiến tới một quy chuẩn nhất định. Do vậy, đầu tư cho R&D là một quá trình lâu dài và nhiều rủi ro.

Thực tế R&D có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, ở các mức độ phạm vị khác nhau trong tất cả các ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến thương mại dịch vụ. Tựu chung, các hoạt động được xem là công tác R&D đều nhằm vào 3 mục tiêu chính:

  • Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như củng cố vị thế của doanh nghiệp trên thị trường hoặc danh mục nhà cung ứng của khách hàng bằng việc liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ với giá thành cạnh tranh.
  • Gia tăng doanh thu, mở rộng thị trường hoặc thậm chí tạo nên một thị trường mới.
  • Tiết kiệm chi phí sản xuất ra sản phẩm- dịch vụ, tăng biên độ lợi nhuận.

R&D và thương mại hóa sản phẩm trong ngành công nghiệp thời trang

Tại Việt Nam trước đây, các hoạt động R&D thường chỉ dừng ở mức thương mại hóa sản phẩm, tức là dựa theo các sản phẩm mẫu sẵn có do khách hàng cung cấp để xác định các phương pháp cho sản xuất đại trà, hay còn gọi là “sao chép mẫu”. Do vậy, các hoạt động mang danh R&D, thường được lồng ghép vào trong các phòng ban chức năng khác như kinh doanh bán hàng, sản xuất… Tuy nhiên các hoạt động “thương mại hóa sản phẩm” chỉ là một hoạt động trong tổ chức R&D và là hành động sau cùng của chuỗi nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ trước đó.

Nếu quay lại mô hình công ty, thì các công ty có R&D mà chỉ dừng lại ở mức “thương mại hóa sản phẩm” thì vẫn bị đánh giá ở mức OEM (Original Equipment Manufacturing) hay còn gọi là công ty gia công. Chỉ khi nào công ty có những hoạt động mang tính chất nghiên cứu theo đúng nghĩa thì mới được xem là chuyển đổi sang công ty ODM (Original Design Manufacturing).

Hay nói cách khách, mức độ đầu tư, phạm vi hoạt động cũng như thành công trong R&D sẽ quyết định công ty ở vị trí nào trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Do vậy, bất cứ một tổ chức, một công ty hay thậm chí cả một quốc gia, muốn phát triển vững bền đều phải luôn cố gắng đi sâu vào công tác R&D hay còn gọi là leo thang vào chuỗi giá trị.

Hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa cũng như sự tác động mạnh mẽ của những chính sách kinh tế vĩ mô cùng với áp lực của thị trường với những người tiêu dùng các lúc càng “tham lam” hơn, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần dần nhận thức được tầm quan trọng của công tác R&D và đã có những đầu tư cũng như thu được kết quả nhất định.

Tầm nhìn (Vision) và sứ mệnh (Mission) của các trung tâm R&D tại TBS Group

Câu hỏi lớn và quan trọng nhất khi xây dựng bất cứ một trung tâm R&D nào đó chính là tầm nhìn (Vision) và sứ mạng (Mission) của trung tâm. Chúng ta muốn trung tâm R&D này là nơi như thế nào? Là nơi sản sinh ra các công nghệ mới thay đổi khái niệm cách làm xưa cũ, đưa ra các sản phẩm thay đổi thị trường, tạo ra những giá trị khác biệt cho khách hàng hay là nơi đưa ra các phương án sản xuất tối ưu (thương mại hóa sản phẩm). Để làm được điều đó thì chúng ta sẽ phải cung ứng sản phẩm – dịch vụ như thế nào. Việc trả lời câu hỏi lớn sẽ xác định toàn bộ hoạt động cũng như nguồn lực cần có để xây dựng và phát triển trung tâm.

Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Châu Á trong ngành sản xuất công nghiệp thời trang, với doanh thu trên 1 tỷ USD vào năm 2025, TBS Group đã từng bước xây dựng những nền móng vững chắc bằng việc thành lập và đầu tư nguồn lực lớn vào 5 trung tâm R&D trong đó 3 trung tâm cho giày và 2 trung tâm cho balo túi xách. Tại các trung tâm này, TBS cam kết

  • Là nơi mang đến cho khách hàng những ý tưởng, giải pháp sáng tạo để hiện thực hóa sản phẩm của họ với sức cạnh tranh cao trên thị trường.
  • Là nơi áp dụng những công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất trong ngành sản xuất công nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất.
  • Là nơi cùng họ tạo ra và nắm bắt những cơ hội mới, cả hai bên cùng thắng lợi.

Đó là lý do tại sao đi cùng với 30 năm hình thành và phát triển của TBS Group cũng là sự phát triển và khẳng định đẳng cấp của các trung tâm R&D. Với những đối tác khách hàng lớn, luôn yêu cầu cao về tốc độ, sức sáng tạo trên mẫu mã và giá cả cạnh trạnh như Decathlon, Skecher, Coach…. TBS đã dần dần ăn sâu vào chuỗi giá trị của khách hàng và trở thành đối tác KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ với họ.

Hoạt động tại các trung tâm R&D thuộc TBS Group

Hiện tại TBS Group đang có 5 trung tâm R&D, với khoảng 2,500 đội ngũ nhân viên, chuyên gia, kỹ thuật viên nghiên cứu. Với sự phát triển của các khách hàng tiềm năng, TBS Group cũng đang quy hoạch, sắp xếp để tiến tới mở rộng thêm các trung tâm nghiên cứu mới nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Tại các trung tâm R&D, các công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm dần dần đã được mở rộng mạnh mẽ và giành được những thành quả nhất định. Từ những bản vẽ sơ khởi của khách hàng, các trung tâm R&D của TBS với những sáng tạo về công nghệ đã cho ra những sản phẩm cạnh tranh không những về giá cả mà còn về tính thẩm mỹ và cải tiến. Không những thế, hiện tại ở các trung tâm như Skechers đã tiến tới bước xa hơn là làm ODM, tự design ra bản vẽ cho khách hàng. Trung tâm R&D Skechers còn là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới như thiết kế rập 3, thực tế ảo để đẩy nhanh tốc độ mẫu cho sản phẩm. Tại ngành balo túi xách, trung tâm Coach đã được khách hàng chỉ định làm trung tâm phát triển toàn cầu, nơi sản sinh ra những mẫu sơ khởi nhất (Prototype 1, Prototype 2) cho toàn bộ 75% đơn hàng toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tien trong lịch sử phát triển của nhãn hàng Coach, đã chỉ định nhà máy làm trung tâm phát triển cho sản phẩm của họ.

Nói như vậy không phải để đánh giá thấp công tác Thương Mại Hóa sản phẩm, bởi vì đây cũng là một công việc rất quan trọng trong R&D và trong hoat động doanh nghiệp. Nếu ví doanh nghiệp như một chiếc máy bay thì các hoạt động nghiên cứu phát triển là lực đẩy để cho chiếc máy bay có thể bay xa thì hoạt động thương mại hóa sản phẩm là lực nâng. Nếu như không có lực nâng thì doanh nghiệp sẽ khó có thể đạt được sức cạnh tranh về giá cả từ đó khó có thể giữ chân các nhãn hàng lại, cũng như đạt được biên độ lợi nhuận phù hợp từ đó có thể tái đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu. Nên trong các hoạt động của trung tâm R&D khó có thể nói hoạt động nào quan trọng hơn bởi vì tất cả các hoạt động đều có sức cộng hưởng lẫn nhau, hỗ trợ qua lại và đều mang ý nghĩa nhất định trong chiến lược phát triển của công ty.

Ngành công nghiệp sản xuất thời trang luôn đòi hỏi sự nhanh chóng, sáng tạo, bắt kịp thậm chí dẫn đầu xu hướng. Do vậy, cùng với luồng phát triển sản phẩm chính thống, TBS cũng tập trung phát triển trong các dịch vụ phụ trợ đặt tại chính TBS như in, thêu, khuôn, ép… Đây chính là những hoạt động tạo nên một nét riêng và lợi thế đặc biệt của TBS không những trong sản xuất mà còn trong nghiên cứu phát triển sản phẩm. Khi những ý tưởng của design được thực hiện một cách nhanh chóng, liên tục với nhiều giải pháp khả thi.

Như một học giả đã nói “Phương pháp tốt nhất để kiểm soát tương lai là hãy tạo ra chúng” và việc luôn chú trọng đầu tư vào các hoạt động R&D là phương pháp của TBS Group tạo lên một tương lai vững bền.

  • Chia sẻ bài viết