Menu
TBS Group đầu tư đa chiều để tận dụng EVFTA
10-11-2020

TBS Group đầu tư đa chiều để tận dụng EVFTA

Chiến lược đầu tư cả chiều sâu và chiều rộng để giải bài toán nhân lực, nguồn nguyên liệu là cách để TBS Group đương đầu với cuộc đổ bộ của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Chuẩn bị sớm để tận dụng cơ hội

Theo báo cáo số liệu mới đây của Bộ Công thương, 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 12,08 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng này sẽ khởi sắc hơn. Kỳ vọng tăng trưởng ngành da giày đang được dồn vào Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ đầu tháng 8 năm nay.

Nhìn chung, ngành da giày và túi xách đang hưởng nhiều lợi thế hơn so với may mặc về quy tắc xuất xứ. Để hưởng thuế suất ưu đãi, ngành may mặc phải đáp ứng xuất xứ vải sản xuất từ Việt Nam, trong khi ngành da giày không có yêu cầu này. Thậm chí, ngành túi xách còn lợi thế hơn, khi Hiệp định chỉ yêu cầu các sản phẩm túi xách, ba lô cắt may, lắp ráp và đóng gói ở Việt Nam.

Trong ngành da giày, Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS Group) không chỉ hưởng lợi thế trên, mà còn tận dụng được cơ hội nhờ việc chuẩn bị từ rất sớm. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch HĐQT TBS Group, Công ty có lợi thế ngay khi Hiệp định vừa bắt đầu, khi 45% dòng thuế với giày của Công ty xuất EU về 0% trong năm đầu tiên. “Đây là thành quả nghiên cứu Hiệp định của TBS Group với các đối tác ở châu Âu từ khi Việt Nam và EU bắt đầu đàm phán vào năm 2012”, ông Kiệt nói.

Theo đó, nhiều dòng sản phẩm đã được định hướng chuyển đổi sản xuất để hưởng lợi về thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Cơ hội không chỉ dành cho Việt Nam

Mặc dù hưởng nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp cùng ngành, nhưng người đứng đầu TBS Group không xem đó là thuận lợi mang tính bền vững. Ông Kiệt cho biết, hiệp định với EU thực chất gồm 2 phần: thương mại và đầu tư.

Với đầu tư, cánh cửa sẽ mở cho doanh nghiệp hai nước đầu tư qua lại và các doanh nghiệp châu Âu, với lợi thế về vốn và công nghệ, sẽ ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam rất khó làm việc tương tự tại các nước ở châu Âu.

“Chúng ta phải luôn nhớ rằng, EVFTA không chỉ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Có hai luồng đầu tư sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Thứ nhất, các nhà đầu tư ở châu Âu sẽ qua Việt Nam mở nhà máy sản xuất, sau đó đem sản phẩm quay trở lại châu Âu để hưởng mức thuế tốt hơn.

Thứ hai, các doanh nghiệp ở các quốc gia khác sẽ chọn Việt Nam làm điểm đầu tư để xuất hàng qua châu Âu.

Cả hai dòng đầu tư trên sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn trên nhiều nguồn lực sản xuất quan trọng, như lao động, logistics… Kết quả là, chi phí sản xuất bị đẩy lên cao hơn trước.

Như vậy, những yếu tố tạo nên lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam như nhân công, chi phí sản xuất cạnh tranh sẽ bị lung lay trong thời gian tới.

Đầu tư cả chiều rộng, lẫn chiều sâu

“TBS Group đã nhìn ra bức tranh cạnh tranh từ khá sớm và tiến hành giải quyết các vướng mắc bằng cách đầu tư cả về chiều sâu và chiều rộng”, ông Kiệt nói.

Về chiều rộng, TBS Group đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nhà máy. Trước đây, Công ty chủ yếu đầu tư nhà máy ở các khu vực phát triển như Bình Dương, TP.HCM, Đà Nẵng, thì gần đây đã đầu tư mở rộng sang các tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bằng cách làm này, Công ty đáp ứng được đồng thời hai nhu cầu của người lao động là làm việc tại quê nhà và chi phí sinh hoạt thấp. Đây được xem là một cách giúp giảm áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực của TBS Group trong tương lai.

Về chiều sâu, mức độ đầu tư phức tạp hơn. Bản chất của chiến lược đầu tư này là việc tạo mẫu mã hợp thị hiếu với tốc độ ra sản phẩm nhanh. Để làm được điều này, TBS Group phải giải đồng thời bài toán về nhân sự, công nghệ và làm chủ nguồn nguyên liệu.

TBS Group hiện có 5 trung tâm phát triển và trung tâm thứ 5 đang làm việc trực tiếp với khách hàng ở Mỹ trong khâu phát triển, thiết kế sản phẩm. Đã có 2/3 lớp đào tạo về thiết kế, công nghệ, phát triển sản phẩm tốt nghiệp và được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao.

Về công nghệ, trong 5 năm qua, Công ty đã đầu tư hệ thống quản trị tích hợp và tự động hóa, song song với việc xây dựng một trung tâm dữ liệu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, nghiên cứu thị trường và đánh giá đơn hàng.

Trong khi đó, TBS Group đã có kế hoạch làm chủ nguồn nguyên liệu.

Đầu tiên, Công ty kéo dài quy trình sản xuất trong khả năng của mình, như mở thêm khâu làm đế giày, in, thêu ép, làm khuôn đế…

Thứ hai, kết nối với các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước và ngoài nước để tìm kiếm các nguyên liệu trong nước không sản xuất được.

“EU gồm 27 quốc gia, nên chúng tôi đang cân nhắc lựa chọn địa điểm phù hợp nhất”, ông Kiệt nói.

Với định hướng phát triển lâu dài và toàn diện, ông Kiệt một lần nữa nhấn mạnh rằng TBS Group hoàn toàn có thể tự tin trong việc đáp ứng chuỗi cung ứng về thời trang, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế.

  • Chia sẻ bài viết